(TCT online) – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Argentina, với sự tham gia của hơn 40 doanh nghiệp nước bạn và một số doanh nghiệp Việt Nam. Đến dự có Tổng thống Argentina, ngài Mauricio Macri, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đại diện các cơ quan hữu quan.
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, sự kiện là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng quy mô đầu tư và kinh doanh tại mỗi nước; trong đó chú trọng đến hoạt động đầu tư và xuất nhập khẩu. Doanh nghiệp Argentina và Việt Nam đang quan tâm, mong muốn hợp tác về một số lĩnh vực mỗi bên có thế mạnh, như nông nghiệp, chăn nuôi, thức ăn gia súc, chế biến nông sản-thực phẩm, y học…Doanh nghiệp Việt Nam cũng mong muốn thông qua địa bàn của nước bạn để thâm nhập vào thị trường khu vực Nam Mỹ trong khi doanh nghiệp bạn muốn thông qua Việt Nam để tăng cường hiện diện tại thị trường ASEAN, với hơn 600 triệu người tiêu dùng.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, quan hệ kinh tế giữa hai nước đã diễn ra từ lâu, không ngừng phát triển và hiện Argentina là bạn hàng lớn thứ hai của Việt Nam tại Nam Mỹ. Hoạt động giao thương hứa hẹn sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới do nhu cầu hợp tác, đầu tư của các doanh nghiệp, sự ủng hộ của hai Chính phủ và nhờ cơ cấu hàng hóa có sự bù đắp cho nhau…Tuy vậy, kết quả đầu tư cũng như trao đổi thương mại còn khiêm tốn, cần được đẩy mạnh trong thời gian tới. Việt Nam cam kết tạo điều kiện thuận lợi, hoan nghênh các doanh nghiệp nước bạn đầu tư, kinh doanh lâu dài…
Tổng thống Mauricio Macri cho biết, doanh nghiệp Argentina đang quan tâm đến thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình. Một số lĩnh vực được ưu tiên triển khai gồm viễn thông, chăn nuôi, kỹ thuật nông nghiệp, chế biến thức ăn gia súc.
Tuy vậy, theo thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, để thúc đẩy hợp tác song phương, Chính phủ hai nước cần tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp, hoàn thiện khung khổ pháp lý, tăng cường quảng bá, giới thiệu thông tin tại mỗi nước kết hợp kịp thời tháo gỡ khó khăn nảy sinh đối với doanh nghiệp. Hiện, doanh nghiệp hai nước còn đối diện một số bất lợi cần khắc phục sớm như khoảng cách địa lý xa xôi, thiếu tuyến vận tải trực tiếp, rào cản ngôn ngữ…
Thái Dương
Discussion about this post